TV Plasma là gì? Công nghệ hiển thị Plasma thực chất đã xuất hiện từ 1936. Tuy nhiên phải chờ đến thập niên 90, với sự kết hợp giữa các thương hiệu Nhật Bản như Fujitsu, Panasonic và Pioneer thì công nghệ này mới được đưa lên TV.
3 công nghệ TV khác hẳn nhau ở cách chúng phát sáng màn hình. Ở TV Plasma, các phân tử phốt-pho tạo ra hình ảnh trên màn hình có thể tự phát sáng và không cần đèn phía sau. Còn TV dạng LCD, màn hình tinh thể lỏng không thể phát sáng nên cần phải có một nguồn ánh sáng riêng biệt phía sau. Đây cũng chính là điểm tạo ra sự khác biệt giữa TV LCD thông thường (sử dụng bóng đèn huỳnh quang CCFL) và LCD LED (diode phát sáng).
Do sử dụng nguồn ánh sáng tiên tiến hơn nên TV LED hơn hẳn LCD ở kiểu dáng siêu mỏng, dải màu rộng hơn, màu sắc trung thực, độ tương phản và độ sáng cao hơn 40%, chạy mát và tiêu thụ ít điện năng. Ngoài ra, tốc độ quét hình của các dòng LED hiện nay từ 120 Hz đến 240 Hz (hơn hẳn LCD là 50 và 100 Hz) giúp giảm rõ rệt hiện tượng vệt chuyển động thường xuất hiện trên các màn LCD.
Pioneer Kuro được xem là thước đo chất lượng hình ảnh kể từ khi ra đời vào năm 2008, tuy nhiên nó cũng đánh dấu sự kết thúc của vòng đời TV Plasma. Với mức giá khởi điểm đến 6000 USD, chất lượng hình ảnh tuyệt vời của Kuro vẫn không giúp được Pioneer ngừng thua lỗ trong thời kỳ mà TV LCD giá rẻ thống trị thị trường. Chỉ một năm sau, Pioneer bán mảng TV cho Panasonic và chính thức rút khỏi thị trường TV. Trong khi đó, với mỗi thế hệ TV giới thiệu, Panasonic đều cố gắng đạt được độ sâu màu đen như Kuro nhưng với một mức giá thấp hơn. Năm 2013, Panasonic đã đạt được điều này với dòng Plasma VT60 với giá khoảng 3600 USD. Một năm sau, Panasonic chính thức rút khỏi mảng TV Plasma và chuyển hẳn sang LCD.